Zyson trình bày về thiết bị vệ sinh cho phi hành gia
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE STAR
Tờ The Star ngày 6.11 đưa tin cậu bé Zyson Kang Zy Shun chính là nhà phát minh ra thiết bị vệ sinh mà Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang tìm kiếm nhằm phục vụ cho các sứ mệnh thám hiểm mặt trăng.
Zyson là học sinh tại Setia Alam (bang Selangor, Malaysia) đã chế tạo thiết bị vệ sinh gắn trong trang phục phi hành gia, đáp ứng nhu cầu của NASA về một thiết bị vệ sinh gọn nhẹ có thể hoạt động ở tình trạng vi trọng lực và trọng lực trên mặt trăng.
Phát minh giúp Zyson chiếm vị trí đầu trong cuộc thi Lunar Loo Challenge (tạm dịch: Thách thức Nhà vệ sinh trên mặt trăng) dành cho lứa tuổi nhỏ, đánh bại 897 thí sinh khác từ 85 quốc gia.
Thiết kế này có thể được vận dụng cho những phi hành gia tham gia sứ mệnh Artemis - chương trình của NASA nhằm đưa phi hành gia trở lại mặt trăng trước năm 2024.
Được NASA mời giới thiệu trực tuyến về thiết kế của mình, Zyson khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên về ý tưởng đơn giản nhưng hiệu quả khi đi vệ sinh trong không gian. Thiết kế này có thể đưa vào trang phục của phi hành gia, đồng thời không cần nguồn điện vì chỉ sử dụng động lực cơ học.
“Thiết kế của cháu là về tiện nghi và hoạt động bằng cách thao tác động lực cơ học để tạo sức hút chân không nhằm giúp nước tiểu và phân thải đi một cách an toàn. Khi cử động chân, nước tiểu sẽ chảy xuống một thiết bị chứa ở giày phi hành gia. Thiết kế không cần điện nên giảm thiểu khả năng hoạt động sai trong không gian”, theo Zyson.
Cậu bé từng tham gia nhiều hội chợ khoa học, chế tạo mô hình hệ thống năng lượng mặt trời vào năm 2016 khi mới 5 tuổi và tặng cho phi hành gia vũ trụ đầu tiên của Malaysia là ông Sheikh Muszaphar Shukor.
Năm ngoái, Zyson thiết kế một trạm sạc năng lượng mặt trời có thể sạc cho các tàu vũ trụ, giảm thiểu nhu cầu phải lắp đặt các tấm pin lớn.
Thầy giáo khoa học của cậu là ông Chong Soo Sheong tại trung tâm khoa học I-Discovery World ở Kuala Lumpur cho biết cậu bé rất đam mê vũ trụ, xe tự động và kỹ thuật di truyền.
Ông Chong cho biết ông chỉ hướng dẫn và hỗ trợ các học sinh khi gặp vấn đề hóc búa. Các học sinh mất 2 tháng động não để đưa ra giải pháp cho bài toán của NASA, chế tạo nguyên mẫu và thành phẩm.
Dù các phi hành gia vẫn đang sử dụng nhà vệ sinh trong không gian, các thiết bị này chỉ được thiết kế cho tình trạng vi trọng lực chứ chưa tính đến trọng lực trên mặt trăng.